THIÊN THỂ NGC 0006-0010

 THIÊN THỂ NGC 0006-0010

1. NGC 6 = NGC 20
NGC 6 dược phát hiện bởi R.J.Mitchell vào ngày 18/09/1857, đồng thời được quan sát bởi Herman Schultz vào 16/10/1866. Ban đầu thiên thể được liệt kê trong danh sách là NGC 20, sau đó 20/09/1885 Lewis Swift đã ghi lại thành NGC 6. Sở dĩ có sự xáp nhập này là do sự cố quan sát của Swift trong đêm vừa được đề cập. Sau sự cố ông phát hiện sự tương đồng giữa quan sát của mình và của Mitchell.  Vì vậy 2 mục này được gộp làm một. NGC 6 được miêu tả là "cực kì mờ, rất nhỏ, trải dài" và NGC 20 được miêu tả là "mờ nhạt, đi kèm là một ngôi sao cấp 10". 

Mặc dù Dreyer khi lập danh mục NGC đã ghi công khám phá NGC 20 (hay NGC 6) cho William Parsons - Bá tước thứ 3 của Rosse, nhưng ông cho rằng các khám phá của Rosse vốn được thực hiện bởi một trong những trợ lý của ông, trong trường hợp này là R.J.Mitchell. 

NGC 6 (hay NGC 20) là một thiên hà hình hạt đậu thuộc loại E/So. Kích thước biểu kiến 1.9'x1.5', chiều ngang khoảng 125-130.000 năm ánh sáng, khoảng cách từ thiên thể đến chúng ta là 230-235 triệu năm ánh sáng, nằm ở chòm Andromeda. Tuy nhiên, độ sáng biểu kiến của NGC 6 là 14.04, quá mờ để có thể quan sát bằng mắt thường trên bầu trời đêm. 

NGC 6 hay NGC 20 còn có các tên gọi khác: GC 6, GC 5086, PGC 679.  
Xích kinh: 00h 09m 32.7s
Xích vĩ: +33d 18m 31s

2. NGC 7
Được phát hiện vào ngày 27/09/1834 bởi John Herschel, khi ông đang quan sát bằng chiếc kính thiên văn phản xạ 18.7 inch. Trong danh sách, NGC 7 được mô tả là "cực kì mờ nhạt, có độ lớn đáng kể, mở rộng nhiều và ít sáng hơn ở giữa". Steve Gottlieb cũng có đánh giá giống như vậy khi quan sát chúng, tuy vậy không thể quan sát trực tiếp thiên thể này và chỉ có thể thấy rõ ràng khi nhìn từ phía ngoại biên.

Về đặc điểm, NGC 7 là một thiên hà xoắn dạng SB(s)c với kích thước biểu kiến 2.4'x0.5', chiều ngang khoảng 45-50.000 năm ánh sáng. Nó nằm cách chúng ta khoảng 70 triệu năm ánh sáng, ở chòm Sculptor hay Ngọc Phu và độ sáng biểu kiến là 13.5.

NGC 7 còn có các tên gọi khác: PGC 627, GC 2, MCG-05-01-037, ESO 409-G022, AM 0005-301
Xích kinh: 00h 08m 20.9s
Xích vĩ: -29d 54m 54s

3. NGC 8
Được phát hiện vào 29/09/1865 bởi Otto Struve, là một hệ sao đôi quang học, được mô tả là "rất mờ, cách NGC 9 2.7 phút cung". Hai ngôi sao trong hệ không liên quan đến nhau (phân loại lần lượt K5, F8), chỉ là sao đôi quang học biểu kiến, nằm ở chòm Pegasus, có thể quan sát dựa vào NGC 9 vì vị trí của nó nằm ngay trên NGC 8. 

Ngôi sao vàng, sáng hơn (2MASS J00084521+2350184) có khoảng cách khoảng 215.000 năm ánh sáng, còn ngôi sao nhỏ, mờ hơn (2MASS J00084563+2350186) có khoảng cách khoảng 10.400 năm ánh sáng.

Các tên khác: PGC 648, GC 5082, Holm 3B
Xích kinh: 00h 08m 45.3s
Xích vĩ: +23d 50m 20s

4. NGC 9
Được khám phá bởi Otto Struve vào ngày 27/09/1865. Theo Dreyer, NGC 9 được mô tả là "mờ nhạt, tròn, có cấp độ thứ 9 hoặc 10, nằm về phía Đông Nam" (hình ảnh).

Về đặc điểm, NGC 9 là một thiên hà xoắn ốc kiểu SBab, nằm cách chúng ta khoảng 210 triệu năm ánh sáng, tại chòm Pegasus. Nó có kích thước biểu kiến khoảng 1.05'x0.5', chiều ngang khoảng 65.000 năm ánh sáng, độ sáng biểu biến 14.35 (quá mờ để quan sát bằng mắt thường).

NGC 9 còn có các tên khác: UGC 78, PGC 652, GC 5083)
Xích kinh: 00h 08m 54.7s
Xích vĩ: +23d 49m 01s

5. NGC 10
Phát hiện bởi John Herschel vào ngày 25/09/1834, NGC 10 được mô tả là "mờ nhạt, khá lớn, mở rộng ít, sáng dần về phía trung tâm". 

NGC 10 là một thiên hà xoắn ốc dạng SAB(rs)bc hoặc SBbc (được phân loại vào năm 2003) nhằm mô tả hình dáng của thiên thể. Khoảng cách tới chúng ta vào khoảng 315-320 triệu năm ánh sáng, chiều ngang 215-220 nghìn năm ánh sáng. Kích thước biểu kiến của NGC 10 là 2.35'x1.35', độ sáng biểu kiến là 13.3. 

NGC 10 còn có các tên gọi khác: PGC 634, GC 3, JH 4015, ESO 349-32, MCG 06-01-024
Xích kinh: 00h 08m 34.6s
Xích vĩ: -33d 51m 30s

Thông tin thêm:
- 2MASS: là một cuộc khảo sát thiên văn kéo dài từ năm 1997 đến 2001 tại 2 đài quan sát là Fred Lawrence Whipple của Mỹ và Cerro Tololo Inter-American ở Chile. Các đối tượng khảo sát là thiên hà và sao lùn nâu, thông qua bức xạ hồng ngoại.
- Kích thước biểu kiến: hay còn gọi là đường kính góc, là đường kính nhìn thấy của vật thể, đo bằng góc khi nhìn từ một vị trí bất kì. Thường trong thiên văn quan sát còn được gọi là "góc nhìn".
- Sao đôi quang học: trường hợp 2 ngôi sao hoặc 2 thiên thể có vẻ nằm gần nhau khi quan sát từ Trái Đất. Có 2 kiểu sao đôi quang học: sao đôi thị giác và sao đôi quang học biểu kiến. Trong khi sao đôi thị giác là một hệ sao đôi thực sự thì sao đôi quang học biểu kiến chỉ là 2 ngôi sao có vẻ gần nhau, nhưng khoảng cách thực tế lại nằm rất a nhau, không có lực tương tác hấp dẫn. 









Comments